GA NGẦM đường sắt sân bay Long Thành Thủ Thiêm cần cấp bách thiết kế

Hiện nay, Nhà ga số 1 thuộc dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I) đang được các đơn vị triển khai thi công, gói thầu đẩu tiên đã đóng 1.545 cọc móng. Điều hết sức đáng tiếc ở giai đoạn này là hạng mục ga ngầm đường sắt không có trong thiết kế, và khi đã đóng xong cọc móng, đương nhiên sẽ không thể kết hợp xây ga đường sắt ngầm.
Các đơn vị đang gấp rút triển khai thi công giai đoạn I dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Các đơn vị đang gấp rút triển khai thi công giai đoạn I dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, muộn còn hơn không, ở giai đoạn tiếp theo, chủ đầu tư vẫn hoàn toàn có thể “sửa sai”, kịp thời bổ sung thiết kế ga ngầm tại nhà ga số 2 nhằm bảo đảm kết nối liên hoàn. Trong xây dựng, thiết kế luôn phải đi trước môt bước, vì thế, việc này cần được quyết định sớm và giao nhiệm vụ ngay cho Liên danh tư vấn thiết kế thực hiện.

Dự án trọng điểm quốc gia

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) có quy mô diện tích 5.000 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, nằm sát cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Dự án có tổng mức đầu tư khái toán hơn 330 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD), chia thành 3 giai đoạn. Khi đầu tư hoàn chỉnh, tổng công suất thiết kế dự án đạt 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó, giai đoạn I, đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, các hạng mục phụ trợ, công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Nhà ga được thiết kế theo hình hoa sen cách điệu, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn gần 376.500m2; chiều cao đỉnh mái 45,55m; bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay. Theo yêu cầu Quốc hội giao, chậm nhất đến năm 2025, phải hoàn thành, đưa các hạng mục giai đoạn 1 vào khai thác.

Cấp bách thiết kế ga ngầm đường sắt sân bay Long Thành ảnh 1
Hạng mục Nhà ga hành khách số 1 sân bay Long Thành đang được triển khai gấp rút.

Giai đoạn I – Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỷ đồng (tương đương hơn 4,6 tỷ USD), chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu cho sân bay có ý nghĩa quan trọng nhất, vốn đầu tư lớn nhất, quyết định việc đưa sân bay vào khai thác. Dự án thành phần này có tổng vốn hơn 99 nghìn tỷ đồng, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Liên danh Tư vấn thiết kế sân bay Long Thành gồm: Heerim (Hàn Quốc) phụ trách phương án kiến trúc tổng thể, Arup (Vương quốc Anh) thiết kế kết cấu thân nhà ga, Aurecon (Australia) thiết kế hệ thống cơ điện, ADPi (Pháp) thiết kế dây chuyền thiết bị khai thác phục vụ bay. Đến nay, ACV đã hoàn thành xây dựng tường rào, hoàn thành đóng toàn bộ 1.545 móng cọc nhà ga hành khách. Cuối tháng 7 và tháng 8/2023, ACV đã khởi công xây dựng các công trình chính của sân bay, gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách, hai tuyến giao thông kết nối.

Theo đánh giá của ông Dương Quang Diện, Quyền Giám đốc Ban quản lý dự án sân bay Long Thành, đây là dự án trọng điểm quốc gia, quy mô rất lớn, bao gồm nhiều hạng mục quan trọng cùng thực hiện một thời điểm trên một mặt bằng. Do vậy, chủ đầu tư hết sức quan tâm đến việc đấu nối, phối hợp các nhà thầu thi công trên công trường bảo đảm mặt bằng thi công dự án được bố trí một cách khoa học nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các hạng mục công trình được triển khai thuận lợi.

Trên công trường nhà ga hành khách đang có gần 1.000 kỹ sư, công nhân, cùng với hàng trăm thiết bị tổ chức thi công liên tục và hiệu quả nhất. Đến nay, liên danh nhà thầu đã hoàn thành lắp đặt toàn bộ 24 cẩu tháp phục vụ thi công và xây dựng khoảng 4 km đường công vụ.

Sớm bổ sung thiết kế ga ngầm đường sắt

Đối với gói thầu nhà ga hành khách đang được triển khai, thời gian thi công theo hợp đồng kéo dài 39 tháng, như vậy chiếu theo thời gian hợp đồng, gói thầu này sẽ không đạt mục tiêu hoàn thành cuối năm 2025. Một điều hết sức đáng tiếc là nhà ga hành khách số 1 này sẽ không thể kết hợp xây ga đường sắt ngầm, vì đã đóng xong cọc móng và hạng mục ga ngầm đường sắt cũng không có trong thiết kế.

Với 3 nhà ga còn lại, nếu muốn có hệ thống đường sắt kết nối, nhà ga số 2 (giai đoạn 2025-2030) bắt buộc phải thiết kế và thi công ga đường sắt ngầm, không thể để muộn hơn vì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả khai thác do tắc nghẽn giao thông. Trong thiết kế, phải có phương án kết nối với ga số 1 đã xây và phương án “mở” để chờ kết nối tới ga số 3, số 4 sẽ thi công giai đoạn 2030-2045. Ngoài ra, dự án tuyến đường sắt nối sân bay Long Thành với Thủ Thiêm phải xác định điểm đầu của tuyến tại khu vực sân bay để có phương án thiết kế kết nối từ ga đường sắt ngầm trong lòng nhà ga số 2 với tuyến đường sắt nhẹ.

Cấp bách thiết kế ga ngầm đường sắt sân bay Long Thành ảnh 3
Thi công tuyến đường T1 kết nối từ quốc lộ 51 vào sân bay Long Thành.

Thiết kế các hạng mục của nhà ga số 1 và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (do Liên danh nhà thầu Vietur lập), tất cả đều phải được Liên danh tư vấn giám sát Nhât Bản JAC và CONICON phê duyệt. Hồ sơ thiết kế này đều có thể dùng để thi công nhà ga số 3 và số 4 về sau, nhưng phải sửa đổi với nhà ga số 2 cho phù hợp mục đích. Hạng mục xây ga ngầm đường sắt trong lòng nhà ga hành khách số 2, bắt đầu từ thiết kế hệ thống cọc móng, do cọc móng trong không gian ngầm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thiết kế bố trí ga ngầm đường sắt. Các hạng mục thiết kế thân nhà ga hành khách đểu liên quan tới nhau, phải được Liên danh tư vấn thiết kế xem xét, điều chỉnh, trong đó phần việc chủ yếu, khối lượng lớn nhất thuộc về Arup-công ty chịu trách nhiệm thiết kế kết cấu thân nhà ga.

Thiết kế nhà ga hành khách có ga ngầm đường sắt không phải là việc mới và quá khó, Liên danh tư vấn thiết kế hoàn toàn có khả năng thực hiện và trên thế giới nhiều quốc gia đã làm từ lâu. Vấn để là “đầu bài” do chủ đầu tư ACV đặt ra (được cấp có thầm quyền xét duyêt) để liên danh thực hiện, và thiết kế phí phải điểu chỉnh thỏa đáng, tương ứng khối lượng phát sinh. Trong xây dựng, thiết kế luôn phải đi trước môt bước, vì thế, việc này cần được quyết định sớm và giao nhiệm vụ ngay cho Liên danh tư vấn thiết kế thực hiện.

Ngoài ra, như đã nói ở trên, phải xác định rõ vị trí điểm đầu của tuyến đường sắt nối sân bay Long Thành với Thủ Thiêm, để có căn cứ thiết kế kết nối từ ga đường sắt ngầm của sân bay tại nhà ga số 2 với tuyến đường sắt. Đây là công việc cụ thể của rất nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, gắn kết lại để hoàn thành nhiệm vụ không đơn giản. Nhưng nếu không có chủ trương sớm (ra đầu bài cho tư vấn thiết kế), sẽ lại tiếp tục chậm trễ và khó khăn trong thực hiện như tại nhà ga số 1. Cần phải khẳng định lại, sân bay Long Thành có công suất 100 triệu khách/năm, trong đó 80% là khách quốc tế, di chuyển chủ yếu (70%) là tới Thành phố Hồ Chí Minh.

Cấp bách thiết kế ga ngầm đường sắt sân bay Long Thành ảnh 5
Trên công trường nhà ga hành khách đang có gần 1.000 kỹ sư, công nhân, cùng với hàng trăm thiết bị tổ chức thi công liên tục.

Đáp ứng mục tiêu đưa Long Thành trở thành cảng hàng không trung chuyển khu vực, thì việc kết nối đường sắt với Thành phố Hồ Chí Minh là bắt buộc. Giao thông nếu chỉ kết nối bằng đường bộ sẽ là trở lực rất lớn khi thực hiện các mục tiêu ban đầu (nếu không muốn nói là bất khả thi). Hy vọng, ACV cũng như cơ quan có thầm quyền cao hơn sẽ sớm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và khởi động việc này càng sớm càng tốt.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Xin 1 đánh giá 5* post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư Vấn